Lượt xem: 226

Đảm bảo đủ nguồn hàng thiết yếu để bình ổn thị trường

Do lo sợ dịch bệnh Covid-19 sẽ khiến thực phẩm khan hiếm, những ngày qua, nhiều người dân trên địa bàn thành phố Sóc Trăng đã đua nhau mua lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm để tích trữ. Tuy nhiên, đây chỉ là tâm lý lo lắng không đáng có vì tỉnh đã có kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để cung cấp cho người dân.

    Cuối tuần qua, nhiều người dân trên địa bàn thành phố Sóc Trăng đã đua nhau đi siêu thị mua nhu yếu phẩm. Các mặt hàng người dân mua nhiều là mì gói, gạo, dầu ăn và các mặt hàng gia vị. Chỉ trong thời gian ngắn, các kệ gạo, mì tại siêu thị Co.opMart Sóc Trăng đã được nhiều người đến mua ào ạt khiến nhân viên không kịp xếp hàng lên kệ. Tình trạng trên cũng diễn ra tại nhiều cửa hàng bán lẻ như Bách Hóa Xanh, Vinmart+.

Siêu thị  Co.opMart Sóc Trăng kịp thời lên kệ các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Ảnh Thiện Hải

    Bà Thạch S ở Phường 5 chia sẻ: “Sau khi nghe tin nước mình xuất hiện thêm ca nhiễm Covid-19, dù không phải xảy ra ở tỉnh mình nhưng vợ chồng tôi cũng đi siêu thị mua đồ dự trữ cho gia đình, đề phòng hàng khan hiếm và hạn chế mua sắm nơi đông người về sau”. Còn một số người khác, thấy nhiều người đi mua đồ về dự trữ cũng lo lắng nên mua theo, chủ yếu là mì gói, gạo và các loại gia vị, thậm chí có người còn mua giấy vệ sinh với số lượng lớn.

    Chị La Ngọc Trương - Giám đốc siêu thị Co.opMart Sóc Trăng cho biết, sau Tết Nguyên đán, sức mua tại siêu thị có phần giảm do người dân hạn chế đến đông người để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên từ sáng ngày 07-3 đến trưa ngày 08-3, người dân đến mua hàng tại siêu thị tăng đột biến. Tăng nhiều nhất là các loại nước rữa tay, khẩu trang tăng đến 100% so với ngày thường; nhóm hàng lương thực như: Gạo và mì gói tăng đến 65%; dầu ăn, gia vị tăng 80%; thực phẩm bảo quản được lâu như đồ hộp tăng khoảng 47%.

    Hiện nay, sức mua của người dân đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, chị La Ngọc Trương cho biết thêm: “Ngay khi các mặt hàng có sức mua tăng đột biến, siêu thị Co.opMart Sóc Trăng nhanh chóng bổ sung thêm 2.700 thùng mì gói; 3.500 - 4.000 chai nước rữa tay và các mặt hàng thiết yếu khác với mức giá bình ổn”.

    Dù những ngày gần đây, nước ta có thêm những ca nhiễm Covid-19 nhưng tình hình phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam vẫn được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương kiểm soát tốt. Về vấn đề nguồn lương thực, tỉnh Sóc Trăng đã cũng chú trọng thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu từ trước để không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 17-12-2019 về Chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu từ tháng 12-2019 và 3 tháng đầu năm 2020. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn này sẽ dự trữ một số mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường đến hết tháng 3-2020. Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia bình ổn với các mặt hàng gồm: Gạo các loại 10.000 tấn; đường 200 tấn. Riêng siêu thị Co.opMart Sóc Trăng tham gia chương trình với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và thực phẩm chế biến các loại trị giá 2 tỉ đồng.

Hiện nay, sức mua sắm tại siêu thị Co.opMart Sóc Trăng đã trở lại bình thường. Ảnh Thiện Hải

    Theo thông tin từ Sở Công thương, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, Sở Công thương đã nhanh chóng phối hợp với các ngành, địa phương vận động tiếp 4 doanh nghiệp đã tham gia chương trình bình ổn trên và thêm 3 doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh để tiếp tục dự trữ các mặt hàng thiết yếu đến hết tháng 6-2020. Đến nay, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thành Tín đã tiếp tục dự trữ 5.000 tấn gạo, các doanh nghiệp khác sẽ trao đổi với các đối tác cung cấp hàng hóa và đơn vị chủ quản để đăng ký kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn, chậm nhất là ngày 13-3-2020.

    Để đảm bảo tốt hơn nữa việc cung cầu hàng hóa trong thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước còn chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị lượng hàng hóa, xây dựng kế hoạch dự trữ và đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hóa trong siêu thị cũng như các hệ thống chợ truyền thống. Do đó, trong thời điểm này, người dân không nên nghe thông tin không chính thống mà đua nhau tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Chỉ nên mua với số lượng đủ dùng cho gia đình để tránh gây lãng phí cũng như tạo bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống Covid-19 của cả cộng đồng.
Thiện Hải


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 77
  • Hôm nay: 55
  • Trong tuần: 70,482
  • Tất cả: 11,802,489